Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

10 lo lắng thường gặp của người mẹ khi mang thai

Khi mang thai, vì sự thay đổi của các hormone mà người mẹ rất dễ rơi vào tâm lý stress, lo lắng. Nhưng mẹ biết không, đôi khi những lo lắng khi mang thai này lại không hề cần thiết, vì chúng chỉ khiến cho mẹ càng có nhiều suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con mà thôi!

10 lo lắng thường gặp khi mang thai


1. Động thai, sảy thai


Ở giai đoạn đầu, động thai thường dễ xảy ra, nó biểu hiện bằng một ít máu ở âm hộ. Tuy nhiên, điều này không quá nguy hiểm, nó cũng không có nghĩa là mẹ đã bị sảy thai. Để đảm bảo an toàn, mẹ có thể đi khám bác sĩ để nhận được lời khuyên cụ thế.

2. Ốm nghén


Ốm nghén gặp ở hầu hết các mẹ trong thời gian đầu mang thai, tuy nhiên biểu hiện khá khác nhau. Một số mẹ ở giai đoạn ốm nghén sợ hoặc rất thích món ăn nào đó, một số mẹ chỉ thích ngủ, một số mẹ lại không có biểu hiện gì khác thường.

Với những mẹ mang thai lần đầu, ốm nghén thường là nỗi lo rất lớn, nhưng mẹ hãy yên tâm vì hầu như tất cả các bà mẹ đều phải gặp rắc rối này, và chúng không gây nguy hiểm cho thai nhi đâu.

3. Thai nhi nhẹ cân


Trong 2 quý đầu của thai kỳ, thai nhi tăng cân rất chậm, điều này khiến mẹ lo lắng em bé bị nhẹ cân. Nhưng trong quý cuối, nếu mẹ vẫn duy trì chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng thì em bé của mẹ sẽ lớn rất nhanh đó.


lo lắng khi mang thai

4. Thai nhi khuyết tật bẩm sinh


Lo lắng này gặp nhiều ở những mẹ có sử dụng thuốc trong tháng đầu của thai kỳ do chưa biết mình mang thai, hoặc những người mẹ mang thai lần đầu. Trên thực tế, tỉ lệ thai nhi bị khuyết tật rất thấp. Bằng việc đi siêu âm định kỳ và sàng lọc trước sinh, bác sĩ có thể phát hiện những vấn đề này từ rất sớm và giúp mẹ có được cách xử lý tốt nhất.

5. Mẹ tăng cân quá mức


Một người mẹ trong giai đoạn có thể tăng từ 10 -12 kg, thế nhưng có những mẹ có thể tăng đến 20 kg. Điều này khiến mẹ cảm thấy sợ hãi vóc dáng sồ sề của mình. Tồi tệ hơn nữa là mẹ ăn uống bao nhiêu cũng chỉ vào mẹ mà không vào con, khiến mẹ cảm thấy như mình đang ăn hết phần của con vậy.

6. Mẹ bị đau lưng, phù chân


Tình trạng này gặp nhiều từ cuối quý 2 của thai kỳ, khi mà cân nặng thai nhi và kích thước vòng bụng của người mẹ tăng lên, các mạch máu và dây thần kinh bị dồn ép. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn khiến mẹ hết sức khó chịu. Thay vì lo lắng, mẹ hãy chịu khó nghỉ ngơi, xoa bóp chân tay để cảm thấy thoải mái hơn nhé!

 

7. Mẹ trở nên xấu xí 


Tăng cân, mọc mụn, mũi “nở hoa”, phù chân, sạm da… khiến mẹ trở nên xấu xí hơn bao giờ hết. Mẹ thậm chí còn không dám soi gương vì sợ nhìn thấy sự thay đổi quá khủng khiếp của mình. Đừng lo mẹ ơi, rồi mọi thứ sẽ dần trở về bình thường sau khi em bé chào đời mà thôi!

8. Bị cấm cung chuyện chăn gối


Nhu cầu về tình dục của bố và mẹ là chuyện đương nhiên, ngay cả khi mẹ đang trong giai đoạn thai kỳ. Nhưng mẹ sợ rằng chuyện đó sẽ ảnh hưởng đến con nên không dám động thủ. Trên thực tế, nếu sức khỏe của mẹ bình thường, mẹ không có tiền sử bị sảy thai thì việc này hoàn toàn vô hại.

9. Rất dễ tủi thân


Khi mang thai, mẹ cũng sợ những lúc buồn và khóc vô lý, nó khiến mẹ cảm thấy xấu hổ (vì đã lớn rồi mà còn dễ khóc như con nít). Thật ra khi mang bầu ai cũng vậy, vì cơ thể mệt mỏi cộng với sự thay đổi hormone nên mẹ dễ xúc động hơn. Tình trạng này sẽ còn kéo dài đến khi em bé chào đời được một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến hai mẹ con nếu như mẹ được gia đình quan tâm, chăm sóc.

10. Sợ đẻ!


Đẻ rất đau! Sự thật này ai cũng biết. Càng về những tháng cuối, mẹ càng háo hức được gặp em bé bao nhiêu thì càng sợ đẻ bấy nhiêu. Thậm chí, những mẹ đã lên đến bàn đẻ rồi mà vẫn còn run cầm cập vì sợ. Mẹ đừng lo, chỉ cần nhìn thấy con yêu chào đời mạnh khỏe là mẹ sẽ quên hết những đau đớn thôi mà!

Lo lắng khi mang thai là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt với những mẹ mang thai lần đầu. Sự quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình sẽ là động lực để mẹ vượt qua những cảm xúc tiêu cực này.

Chúc mẹ có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh!








0 nhận xét:

Đăng nhận xét